Đây là web blog của lớp 12A, Trường Phổ Thông Trung Học Số 1 Triệu Hải cũ, nay là Trường Phổ Thông Trung Học Thị Xã Quảng Trị, tốt nghiệp năm 1991. Lớp gồm 44 học sinh trong đó có 40 nam và 4 nữ. Thầy giáo chủ nhiệm là thầy Trần Luyến. Web Blog là diễn đàn cho các thành viên và bè bạn bốn phương chia sẻ cảm xúc và hoài niệm về cuộc sống, gia đình, công việc cũng như giao lưu kết nối khắp cộng đồng...
10 thg 1, 2009
CHÁO VẠC DƯỜNG + RƯỢU XI KA ĐÂY !!!
THẦY VIỆT ƠI ! MỜI THẦY MẦN 1 TÔ ,Món cháo vạt giường ở Hải Lăng
Rẽ theo con đường xuống biển Mỹ Thuỷ hơn cây số, vừa hỏi thăm vừa vòng đi vòng lại, chúng tôi mới tìm thấy cái bảng hiệu bằng gỗ không sơn, chỉ chừng 6 tấc vuông, đóng ở góc cây trước một ngôi nhà trông chẳng có vẻ gì là quán. Nhà tịnh không bóng người. Nhưng khi xe dừng, từ trong nhà một thiếu phụ chạy ra đon đả đón khách. Hỏi món cháo vạt giường đã có chưa, thì được biết chủ nhân đang chờ khách đến mới nấu. Mà quả thật vậy.
Khi chúng tôi kéo nhau xuống bếp thì hai con cá trào, mỗi con chừng 400 gam mới được cô Thuỷ bắt ra rổ. Một bà cụ, một thiếu nữ trông chưa đến đôi mươi tất bật tiếp tay cô Thuỷ. Lửa được nổi lên, bột nhào sẵn được xắt ra, củ nén tươi (một loại hành củ rất nhỏ) được giã nhuyển, cá được nhanh chóng làm sạch và thái ra…
(Hình : Xắt bột vạt giường)
Gọi là cháo nhưng món ăn này được nấu bằng bột chứ không phải gạo. Sở dĩ nó có cái tên nghe rất… cứng là do những sợi bột xắt có hình dáng tuơng tợ như những thanh vạt giường.
Chỉ trong chưa đầy nửa giờ, một nồi lớn bốc khói đã được dọn ra. Sau khi gắp riêng hai cái đầu cá ra dĩa, cô chủ tươi cười chuyển món ăn ra từng tô cho mỗi người. Món cháo này gần giống như món bánh canh cá cuả Nam Bộ. Nhưng những cọng “vạt giừơng” thì mỏng, trong, giòn và dai hơn.
Nước cháo hơi sánh nhưng không đặc, vị cay của ớt bột pha với nén giã khiến thực khách vừa ăn vừa xuýt xoa và nghe mồ hôi rịn ra chân tóc. Thật nhiều nén tươi xắt đoạn cùng ngò thơm, thêm nước mắm trong nêm vào… Chẳng nghe ai nói gì, chỉ nghe tiếng xộp xoạp và tiếng hít hà. Loáng cái, tài xế Nguyễn Duy đã xong hai tô. Mọi người cũng chừng đó lấy lên. Và nồi lớn cũng chỉ còn váng đáy. Ai cũng công nhận đây là bữa ăn vừa ngon vừa sảng khoái nhất từ hôm đi đến nay. Cứ như là ăn ở nhà mình.
Đến giờ cô chủ quán mới thỏ thẻ cho biết, sở dĩ quán vắng là vì chúng tôi đến vào giờ nghỉ. Quán chỉ bán buổi sáng từ 6 giờ đến gần 9 giờ và buổi chiều cũng chỉ từ 3 giờ đến 6 giờ. Mỗi ngày quán tiêu thụ chừng 15 kg cá trào bắt từ bàu Trà Lộc và đồng ruộng quanh vùng. Chỉ có con cá trào ở đây mới làm ra hương vị của món ăn này. Thực khách không chỉ người trong vùng mà còn có nhiều người từ xa nghe tiếng tìm đến như chúng tôi.
(theo SGTT)
Thông tin thêm: Cháo “vạt giường” Hải Lăng ở Sài Gòn
Có lần ra Hải Lăng (Quảng Trị) thăm quê của một cô bạn, tôi nghe nàng thánh thót bảo rằng “đến quê em thì anh nên ăn cháo cá mới thấy ngon ngọt và ý nghĩa”. Nay, để ăn được tô cháo cá lóc đúng kiểu Hải Lăng tại Sài Gòn, tôi đã phải kiếm tìm 3 năm ròng rã vì món cháo ngọt thơm ngày ấy đã không ngừng ám ảnh tôi.
Tuần rồi, đi với mấy ông bạn thổ công len vào con hẻm số 12/5 Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TPHCM), nồi cháo nghi ngút nơi quán nhỏ bỗng khiến kỷ niệm Hải Lăng ùa về. Tôi gọi ngay một tô cháo giá 15.000 đồng và cảm nhận đây chính là món mình cần tìm.
Cháo được nấu bằng nước ngọt của xương heo và xương cá lóc cộng với củ nén và ruốc Huế nên có mùi thơm khó tả. Riêng phần cháo làm từ bột gạo xay nhuyễn, nấu chín, cán mỏng rồi xắt thành từng cọng như chiếc thanh tre của vạt giường nên dân gian gọi đó là cháo “vạt giường”.
Hỏi ra mới biết, chủ quán là người làng Diêu Sanh, xã Hải Tho, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Chị chủ quán cho biết cháo đúng kiểu quê thì cá phải bắt ở bàu sen trong làng mà nấu cùng, ăn với thật nhiều hành, ngò, rau thơm...
Khi vào Sài Gòn, đích thân chị phải chọn từng chú cá lóc đồng trong các phiên chợ sớm. Tuy trong hẻm nhỏ nhưng hàng cháo “vạt giường” Hải Lăng bán mỗi ngày 300 tô và chỉ bán từ 2 giờ 30 đến 6 giờ chiều. Nếu muốn ăn tô nhỏ, quán cũng phục vụ với giá 7.000 đồng. Phần ruột cá lóc thật béo, cứ 10.000 đồng/3 bộ. Người Hải Lăng ở Sài Gòn ăn cháo xong còn được chủ quán mời một ngụm trà gừng cho đỡ nhớ quê hương.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét