30 thg 12, 2010

Bolero, tại sao không?

Tôi không phải là người sành nhạc bolero, cũng không phải là một fan của dòng nhạc này. Cũng như ngày còn chiến tranh, ở chiến trường Nam Bộ, tôi cũng không phải là người mê cải lương hay vọng cổ "tới bến" như một người Nam Bộ thứ thiệt vẫn mê.
Nhưng sau nhiều đêm trụ bám trong địa hình, giữa những đợt pháo bầy và bom B52, tôi chợt lạnh người, da nổi gai ốc khi người bạn và người đồng đội của tôi so lại dây chiếc guitar phím lõm và chợt cất lên da diết: "Ai qua lộ 4 về chốn Ba Dừa - Nhớ chăng tàu chuối đong đưa - Đậm tình quê mẹ những giờ... ờ... ờ... tiến công - Mảnh đất quê hương bom cày đạn xé - Tôi về đây nghe...".
Tôi như lịm đi trong hơi vọng cổ dặt dìu, dắt díu, dang dở mà dây dưa. Như cảm thấy bài ca đang nói hộ nỗi lòng mình, lại như có cảm giác mình sẽ không còn dịp nào được nghe nó một lần nữa. Chiến tranh mà! Nỗi buồn từ hơi giọng mờ đặc của vọng cổ đã ám ảnh tôi - một người làm thơ theo cái cách mà bây giờ người ta gọi là cách tân, là không theo giọng điệu cũ - ám ảnh tới mức có lúc tôi ao ước sau này hòa bình mình có dịp đi sưu tầm những bài vọng cổ trong dân gian, từ những "lò" vọng cổ cải lương tài tử ở đất Nam Bộ này, như đã từng làm vậy hồi còn ở đại học - đi điền dã thu thập những bài dân ca quan họ Bắc Ninh.

Nhưng bây giờ tôi đang nói về một bài hát theo điệu bolero - một bài hát mà ở miền Nam tôi chắc rất nhiều người biết, rất nhiều người thuộc. Bài hát của tác giả Dũng Chinh phổ thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Tôi nhớ, dạo năm 1989, khi tôi đưa Hữu Loan về chơi thăm Quảng Ngãi, có lần tác giả bài thơ Màu tím hoa sim cùng tôi đến nói chuyện và đọc thơ tại một trường huyện. Trong cuộc đọc thơ ấy, có một giáo viên đã xung phong lên hát ca khúc của Dũng Chinh. Anh giáo viên ấy đã hát thật hay và đúng điệu bolero bài hát này, nghĩa là có chút gì đó hơi "sướt mướt". Khi nhìn sang lão nhà thơ Hữu Loan, tôi thấy mắt ông rơm rớm. Ông cụ cảm động. Sau đó, trên đường về, Hữu Loan nói với tôi là ông không biết tác giả ở miền Nam này là ai, nhưng bài hát Màu tím hoa sim của anh ấy đã "vào" được bài thơ ông một cách thật giản dị, và thật cảm động.
Bây giờ, một số tác giả nhạc trẻ ở ta cũng có xu hướng viết những ca khúc "chân quê đời mới", dĩ nhiên họ không theo điệu bolero. Có bài tôi nghe vào, có bài tôi nghe dội. Chẳng phải "khó" nghe, mà có gì như nhàm nhàm ở những khúc thức cố làm ra vẻ "lạ" mà "quen" này. Trong khi một bài hát bolero "thứ thiệt" như bài Màu tím hoa sim của Dũng Chinh, không màu mè kiểu cọ gì, lại chợt đi vào tôi "nhẹ như không". Âm nhạc đôi khi lại "ăn" ở những cú "vào" nhẹ như không mà người nghe cũng chẳng buồn phân biệt ca khúc ấy có "trình độ" nghệ thuật âm nhạc cỡ nào. Cũng như một bài thơ, khi "được" là nó "được", khi hay là nó hay, chẳng cần phân tích chi rắc rối.
Nhắc chuyện Hữu Loan mê nhạc bolero lại nhớ tới buổi tiệc cưới của đứa con trai tôi, sau khi một ca sĩ và nhạc sĩ chuyên nghiệp hát rất hay ca khúc của Phạm Duy phổ bài thơ Màu tím hoa sim, thì một "giọng ca bolero" nghiệp dư - một nhà báo đã cất lên thật lâm ly bài hát của Dũng Chinh - cũng phổ bài thơ ấy của Hữu Loan. Cả bàn tiệc lặng người. Ai cũng thích, cũng phục bài hát rất hàn lâm của Phạm Duy, nhiều người hát theo phần điệp khúc điệu quân hành của bài hát. Nhưng rồi ai cũng như bị dây dưa dắt díu day dứt với bài hát điệu bolero quá bình dân của Dũng Chinh. Trình độ nhạc cảm của chúng tôi thấp quá chăng? Không biết. Nhưng chúng tôi thấy đồng cảm với điệu bolero này. Có lẽ, đó chính là cái bí ẩn của nghệ thuật: cao siêu cũng tuyệt vời, mà gần gũi giản dị như củ khoai hạt lúa, miễn được chấp nhận, miễn vào được người thưởng thức, cư trú được trong lòng người, thì cũng "sống như chơi".
Tôi nhớ, ngày còn sống, nhà thơ - nhà báo Thái Ngọc San cũng được anh em văn nghệ và báo chí Huế gọi thân thương là "ông vua bolero", vì cứ rượu vào, lơ mơ là San lại cất giọng khàn khàn hát những bản bolero như một nghệ sĩ đường phố chánh hiệu. Nhiều bạn thơ và bạn... rượu của San, hoặc hát theo, hoặc lặng người mắt rơm rớm. Ấy, bolero là thế, tại sao không nhỉ, nghe cũng hay ra phết ấy chứ!
 
Sáng mình đọc bài này trên báo thanh niên. Mình rất đồng cảm với tác giã. mình muốn chia sẽ với các bạn về những suy nghĩ tự bản thân mình. Hy vọng tìm ra những cảm nhận chung về âm nhạc.
Sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo Ngô Xá. Mặc dù không chứng kiến được chiến tranh khốc liệt. nhưng những gì mà chiến chiến tranh để lại thì thấy rất rõ: Những hố bom, thương tật, súng ống, đạn dược...còn rơi rớt lại trên mãnh đất tang thương dầy huyền thoại . Nhưng chính những khốc liệt của chiến tranh đã là nơi sản sinh ra những ca khúc mang dấu ấn lớn trong lịch sữ: Những ca khúc cách mạng hoành tráng, lạc quan tin tưởng góp phần làm nên những chiến thắng vẽ vang của dân tộc. Mình lại được thưỏng thức những ca khúc tiền chiến của các nhạc sỹ Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng...Sống mãi với thời gian. Lại dược ru ngũ bởi những dòng nhạc Bolero(Nhạc sến) của Nhạc sỹ Duy Khánh, Chế linh...). Duy chỉ dòng nhạc giao hưởng thì mình không thưởng thức được có lẽ do trình đọ âm nhạc. Những lúc nhớ về tuổi thơ, quê hương bạn bè thì nghe nhạc Bolero nó da diết làm sao? tỉ như:( Bạn củ lâu rồi có người về đất buông xuôi, năm ba đứa bạn phương trời  hai thằng chờ đầu quân năm tới, ve ơi hát gì điệu nhạc lâm ly, khóc người biền biệt sơn khê, cố nhân di bao giờ mới về....) Ôi chao! cám ơn tạo hoá đã sinh ra mình trong thời điểm được hưỏng thụ những tinh tuý của đời sống âm nhạc. Âm nhạc nó như một thứ tôn giáo, nó làm tâm hồn được thánh thiện và gột rửa những vết hằn năm tháng. Âm nhạc là món ăn tinh thần cho tất cả mọi ngươi ở các đẳng cấp khác nhau. Mình tự hào về  cố nhạc sỹ - Ca sỹ Duy Khánh người con Quảng Trị  Thân yêu! Với các ca khúc gần gủi, thân thương theo dòng nhạc Belero. Sau đây là tiểu sữ của ông:

 Duy Khánh (1938-2003) tên thật là Nguyễn văn Diệp, sinh năm 1938 tại Quảng Trị. Anh khởi nghiệp là một ca sĩ từ năm 1954 rồi mới chuyển qua viết nhạc từ những năm đầu thập niên 60. Anh là một người con Quảng Trị chân chính. Khi đã thành danh, nổi tiếng toàn quốc với hàng triệu thính giả ái mộ, chàng ca nhạc sĩ đẹp trai cao lớn này đã không những không chối bỏ mà còn rất hãnh diện về gốc tích quê hương nghèo khổ của mình: "Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung, miền thùy dương, ruộng hoang nước mặn đồng chua; thôn xóm tôi sống đòi dân cày" (Tình Ca Quê Hương). Anh đã nói chuyện, tiếp xúc báo giới, truyền thanh truyền hình với một giọng nói hoàn toàn Quảng Trị dù đã sống xa quê hàng 50 năm dài trên các thành phố, thủ đô miền Nam, hay trên mảnh đất tạm dung Hoa Kỳ. Ðúng như lời nhạc sĩ Phạm Duy đã phát biểu trong ngày đưa tiễn anh về bên kia thế giới: "Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh"
    Ca nhạc sĩ Duy Khánh, mà suốt một cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với nền tân nhạc miền Nam, đã trở thành biểu tượng cho lòng chung thủy tha thiết yêu mến quê hương; là niềm hãnh diện cho những con dân núi Mai sông Hãn dù ở thế hệ nào, dù ở bất cứ địa bàn nào trên năm châu bốn biển.
    Là con áp út trong một gia đình vọng tộc, gốc làng An Cư, Triệu Phong (dòng dõi Quân Công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh Ðại thần có uy quyền tối thượng trong nhiều đời vua triều Nguyễn). Duy khánh đã lớn lên trong một nền giáo dục cổ truyền nặng ảnh hưởng Nho và Phật giáo. Thân sinh anh là cụ Nguyễn Văn Triển, từng dạy học trước khi làm Trưởng phòng Hành chánh tỉnh QT. Cụ Triển (thường được biết dưới tên ông Trợ Triển) lại là Hội trưởng hội Phật giáo tại tỉnh nhà, từng là dân biểu thời đệ nhị công hoà, có nhiều uy tín lớn trong tỉnh. Thân mẫu Duy Khánh là con gái của cụ Thị Lang bộ Công Ðỗ Văn Diêu, chánh quán làng Ðâu Kênh, Triệu Phong, là một phụ nữ mẫu mực, nghiêm khắc. Gia đình Duy Khánh có 6 anh chị em, ba trai, ba gái, mà hiện nay chỉ còn một anh cả và một chị đầu còn sống tại Pháp và Canada.
    Sau khi đỗ tiểu học năm 1949, Duy Khánh, cũng như các con nhà giàu quyền thế trong tỉnh, đã được cha mẹ cho vào Huế để học chương trình Trung học. Vì lúc bấy giờ, tại Quảng trị chưa có trường Trung học. Chính tại cố đô trầm mặc này, Duy Khánh đã tìm cho mình con đường tiến thân đúng với khả năng thiên phú của mình. Tưởng cũng cần nhắc lại một chi tiết nhỏ: trong một dịp nghỉ hè năm 1952, Duy Khánh đã về Quảng Trị tổ chức nhạc hội tại chùa Tỉnh Hội. Anh diễn và hát bài Nhớ Người Thương Binh của Phạm Duy, trong đó có câu: "Chàng về nay đã cụt cụt tay." Duy Khánh đã sửa lại: "Chàng về nay đã cụt chân," và nhảy cò cò trên sân khấu. Duy Khánh, khi đó lấy biệt hiệu là Tăng Hồng, đã lần vào Saigon tham gia các chương trình phụ diễn tân nhạc trong các rạp chiếu bóngAnh hát song ca với nữ ca sĩ Tuyết Mai những bài ca rất đậm tình quê hương. Trong một chương trình phụ diễn tại rạp Thanh Bình, trên đường Phạm Ngũ Lão, cạnh chợ Hoà Bình, anh đã tiếp xúc lần đầu với nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1955, anh đã đoạt giải nhất tuyển lựa ca sĩ của đài Pháp Á tại Huế qua bài hát Trăng Thanh Bình.
    Sự phản đối của gia đình không làm anh chùn bước. Anh chuyển hẳn vào Sài Gòn; bắt đầu hát trên các sân khấu đại nhạc hội, đài phát thanh, và bắt đầu thu đĩa nhựa. hay hợp tác với đại ban của Hoàng Thi Thơ đi lưu diễn khắp nước. Lúc này, anh là nam ca sĩ nổi tiếng nhất. Anh Ngọc, Duy Trác cũng là những nam ca sĩ nổi tiếng nhưng chỉ hát giới hạn cho các hãng thu băng, đài phát thanh với những bản nhạc tiền chiến rất chọn lọc, trong khi Duy Khánh thì lựa chọn nhạc có khuynh hướng dân ca, rất thành công vì dễ dàng hợp với thị hiếu của đa số hơn.
    Anh lần lần nổi tiếng qua các bản: Tiá Em Má Em, Vợ Chồng Quê, Ngày Trở Về, Nhớ Người Thương Binh, Tình Nghèo, Quê Nghèo, Về Miền Trung. ..
    Sau một lần đổi biệt danh thành Hoàng Thanh, cuối cùng anh chọn tên Duy Khánh. Chữ Duy Khánh lấy từ tên một người bạn rất thân Phạm Hữu Khánh (con trai cụ Phạm Tri, từng làm Phó Tỉnh trưởng Quảng Trị) đã tử nạn tại Pháp. Anh giữ tên này đến cuối đời.

 Sưu tập: Nguyễn Xuân An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét